Kỹ thuật trồng ổi đúng cách

Cây ổi không còn xa lạ gì với cuộc sống xung quanh chúng ta. Thường xuyên bắt gặp ổi được bày bán trong siêu thị, ngoài chợ đến những gánh hàng rong. Nhu cầu tiêu thụ lớn như vậy, dẫn đến nghề trồng ổi là một hướng đi đúng đắn cho bà con lựa chọn.

1. Trồng ổi cần chuẩn bị những gì?

1.1 Lựa chọn giống ổi

Có rất nhiều loại ổi hiện nay trên thị trường, có thể kể đến như ổi Đào, ổi Hương, ổi Bo, … Tùy theo điều kiện đất, khí hậu ở địa phương mà bà con chọn giống ổi cho phù hợp. Tốt nhất là bà con nên tham khảo ở các địa điểm bán cây giống, nhân viên bán cây sẽ tư vấn loại ổi phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương.
Chọn các cây ổi giống con khỏe mạnh, cứng cáp. Không có lá sâu bệnh, đồng thời cây phát triển đồng đều.

1.2 Điều kiện đất trồng và khí hậu

Để cây ổi đạt năng suất cao thì điều kiện khí hậu và đất trồng khá quan trọng. Độ pH nên giao động trong khoảng 5-6. Nhiệt độ nằm trong khoảng 20-30 độ C là thích hợp cho việc trồng ổi.
Khu vực đất trồng cần phải gần nguồn nước, hoặc nơi bà con có thể chủ động giữ được độ ẩm thường xuyên cho đất. Ngoài ra, đất cần phải tơi xốp, không được ngập úng ( khả năng thoát nước tốt). Với những địa phương có lượng mưa ít thì bà con cần phải chủ động hơn trong việc tưới ẩm cho đất.

1.3 Nên trồng ổi vào thời gian nào trong năm?

Đối với mỗi vùng miền thì thời điểm trồng ổi cũng khác nhau. Với miền Bắc có thể trồng vào vụ xuân hè ( tháng 3 – 5 ) hoặc vụ hè thu ( tháng 8 – 10). Còn bà con ở miền Nam có thể bắt đầu trồng vào đầu mùa mưa ( tháng 5-6).
Bà con nên trồng thực hiện việc trồng kép, 2 cây trên một hố trồng ( một gốc). Với mật độ 100 – 110 gốc / 1000 mét vuông. Việc trồng kép này sẽ tiết kiệm chi phí chăm sóc, đồng thời cũng tăng năng suất thu hoạch hơn.

Bà con tiến hành đào hố trồng với kích thước khoảng đường kinh 20cm và có độ sâu 20cm. Ngoài ra, các hố được đào thành hàng thẳng. Khoảng cách giữa 2 hố khoảng 3.5 – 4m, khoảng cách giữa các hàng khoảng 4 – 4.5m.

2. Kỹ thuật trồng ổi đạt hiệu quả năng suất cao

– Cần phải tỉa hết các mầm cỏ dại quanh gốc trước khi trồng ổi.
– Tiến hành gỡ bỏ túi ni lông bao quanh bầu ươm, đặt bầu ươm xuống dưới hố trồng và lấp đất ngang mặt bầu. Cắm một cọc thẳng đứng cạnh gốc, và cột cố định thân ổi để tránh mưa gió làm cây bị đổ. Đồng thời dùng rơm rạ hoặc rễ bèo phủ quanh gốc giúp giữ ẩm cho cây.
– Nếu như khu vực trồng có nắng gắt, bà con cần phải tiến hành che chắn trong thời điểm cây mới trồng. Và tiến hành tưới nước 2 lần / ngày để giữ ẩm cho đất.
– Khi cây mọc chồi non mới, thì bà con giảm dần lượng nước tưới xuống còn 1 lần / ngày.

3. Kỹ thuật chăm sóc cây ổi 

3.1 Cắt tỉa cành và tạo tán

Việc tạo tán và cắt tỉa cành khá quan trọng trong quá trình chăm sóc ổi. Góp phần làm giảm sâu bệnh, cũng như tăng hiệu quả năng suất.
– Khi thấy cây có quá nhiều cành chen ngang nhau, nhiều lá vàng thì bà con cần tiến hành tỉa bớt cành lá bên trong, tỉa những cành bị che khuất. Cùng với đó là loại bỏ ngay những cành đang bị sâu. Mục đích là giúp cây phân bổ dinh dưỡng vào những cành chính, những cành khỏe cho nhiều quả.

– Một mục đích khác nữa của việc tỉa cành – tạo tán nữa là kích thích cây ra rễ nhiều hơn. Khi bộ rễ phát triển tốt sẽ làm cho cây có nhiều dinh dưỡng hấp thụ và sẽ cho nhiều quả to hơn.

Chi tiết kỹ thuật tạo tán cho ổi

Khi cây đạt 3 tháng tuổi, bà con quan sát ở vị trí gần mắt ghép, sẽ có nhiều mầm mới được hình thành. Cần phải loại bỏ bớt và chỉ để lại 3 mầm khỏe ( 3 mầm này sẽ hình thành những cành cấp 1). Những cành cấp 1 này sẽ phát triển và tạo với thân góc 50 độ, có chiều dài khoảng 50cm.  Để cho cành cấp 1 phát triển được khoảng 0.7m thì bà con cắt đi 1 nửa, để sau này cây thấp thì dễ thu hoạch hơn.
Những cành con được mọc ra từ cành cấp 1 được gọi là cành cấp 2. Chiều dài những cành cấp 2 này khoảng 35cm là đẹp nhất, và từ những cành cấp 2 này sẽ cho ra một loạt cành cấp 3.
Cành cấp 3 sẽ cho ra những cành nhỏ hơn, tuy nhiên bà con chỉ cần để lại khoảng 7-8 cành nhỏ mọc ra từ cành cấp 3 này. Cần phải cắt tỉa bớt nếu như cành quá dài và đan chen nhau nhiều.
Lưu ý:  Sau khi cắt cành bà con cần quét một lớp vôi vào phần thân bị cắt để sâu bệnh và nước không xâm nhập vào cây qua vết cắt.

3.2 Bón phân cho cây

Cần cung cấp phân bón cho cây từ khi trồng cho đến khi ổi được thu hoạch xong. Cần bón phân NPK theo tỉ lệ 12:15:18 cho năm đầu tiên trồng, và được chia ra làm 4 lần. Mỗi lần bón 50g amon sunphat + 100g NPK cho mỗi gốc.

Bước sang năm thứ 2, bà con cũng cần bón cho ổi làm 4 đợt. Mỗi đợt cần phải tăng gấp 3 lần phân bón như năm đầu + 50g magie sunphat cho mỗi gốc cây.
Sang năm thứ 3, ổi bước vào giai đoạn cho thu hoạch nên cần phải bón nhiều phân hơn. Bón phân đạm cho cây trước khi ra hoa 1 tháng để cho cây nhiều hoa hơn.
Nhìn chung đạm, lân và kali là những thành phần không thể thiếu cho quá trình phát triển của ổi. Để cây nhiều chồi, nhanh lớn thì không thể thiếu đạm. Lân giúp kích thích khả năng đẻ chồi, ra nhánh mới và nhiều hoa hơn. Còn Kali giúp cho cành thêm cứng cáp, đứng vững trước gió bão và quả  ít bị rụng hơn.

3.3 Sâu bệnh hại ổi

  • Sâu hại

– Rầy mềm : Đây là loại rầy thường trú ở các chồi non và mặt dưới lá cây. Đặc điểm nhận biết là lá mầm bị cuốn vào nhau cùng với đó là chồi chậm lớn. Sử dụng Bassa 50ND có nồng độ 0,1-0,2% để phun cho cây.
– Rệp: Một số loại rệp phổ biến ở ổi có thể kể đến như rệp phấn trắng, rệp sáp hay rệp dính. Khi bị loại sâu này hại, cây thường cho quả bé, lá nhỏ và bị khô. Phun Bi 58 40 EC nồng độ 0,1-0,2 phun cho cây để phòng trừ rệp.
– Ruồi đục quả: Biểu hiệu trên cây xuất hiện nhiều loại ruồi đục gây thối quả. Bà con có thể sử dụng Methyl Eugenol làm bẫy để bắt ruồi. Cùng với đó là nhặt và tiêu hủy những trái ổi rụng.

  • Bệnh hại

– Bệnh thán thư hại ổi: Bệnh này thường xuất hiện vào đầu mùa mưa. Xuất hiện những đốm nhỏ màu nâu đen trên quả khi chín, và những quả bị bệnh thường nhỏ và khô. Phun Dithane M-45 nồng độ 0,1-0,2% cho cây để phòng ngừa bệnh thán thư.
– Bệnh đốm lá: Biểu hiện là nhiều lá trên cây có những đốm tròn bên ngoài màu nâu đậm và nhạt hơn khi vào giữa. Khi bệnh lan rộng, cây sẽ bị rụng nhiều lá và lá sẽ nhỏ hơn. Cần tiến hành phun Copper-B 65 BHN  nồng độ 0,1-0,2% cho cây để ngăn ngừa bệnh đốm lá.

4. Thu hoạch và bảo quản ổi đúng cách

4.1 Thu hoạch

Với ổi trồng từ hạt thì sau khoảng 4 năm sẽ cho thu hoạch. Trồng từ cành chiết thì sẽ cho thu hoạch sau khoảng 2 năm. Khi quả chuyển sang màu xanh nhạt hơn là thời điểm cho thu hoạch, để lâu quá thì quả sẽ bị vàng và mềm quả.

Kể từ khi bắt đầu ra hoa, cây sẽ cho thu hoạch sau 3 tháng. Vào năm thứ 3 đến năm thứ 5, sẽ cho sản lượng khoảng 20 tấn / ha. Còn vào năm thứ 6-8 sẽ cho khoảng hơn 50 tấn / ha.

4.2 Bảo quản

Ổi là loại quả rất mau chín sau thu hoạch. Nên bà con cần phải chủ động nguồn tiêu thụ trước khi tiến hành thu hoạch, và thu theo từng đợt nhỏ. Tránh để lâu, ổi sẽ bị chín đồng loạt khó bán.
Ngoài ra, bà con có thể bảo quản ổi trong nhà lạnh nhiệt đột 5-15 độ C, độ ẩm 85 – 90%. Làm như vậy có thể giữ được ổi tươi trong 3-4 tuần lễ.

Lời kết

Như vậy chúng tôi đã cùng bà con tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cho ổi đạt năng suất cao. Cùng với đó là những lưu ý về cách tạo tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh hay bón phân cho cây ổi.
Trồng ổi là một hướng đi đúng đắn, do cây ổi rất dễ chăm sóc và phù hợp với khí hậu nhiệt đới nước ta. Tuy nhiên, bà con cần phải xem xét tiêu thụ đầu ra trước khi quyết định trồng. Tránh tình trạng quá nhiều người trong địa phương trồng, dẫn đến được mùa mất giá.
Chúc bà con thành công!
 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *